NGÔI NHÀ PHÁO ĐÀI
Thời trung cổ, giữa các cuộc chiến tranh liên miên giành chủ quyền lãnh thổ, người ta xây dựng nhà ở với mục đích càng kiên cố, càng khó xâm nhập bao nhiêu càng tốt. Nhà gỗ làm giữa rừng, cửa ra vào thấp, thềm cửa cao để tránh côn trùng, thú dữ; có ít hoặc thậm chí không có cửa sổ. Nhà của các lãnh chúa là những pháo đài bằng đá, cửa gỗ lớn nặng nề, chắc chắn, cửa sổ nhỏ hẹp và ở trên cao, xung quanh đào hào nước. Bên trong nhà, đường đi lối lại ngoắt ngéo, từ phòng nọ sang phòng kia có thể bằng những con đường bí mật . Vai trò an ninh của ngôi nhà dường như được đặt lên hàng đầu.
Ngày nay, người ta chú trọng đến yêu cầu thông thoáng, đề cao sự hài hòa, gần gũi giữa con người với thiên nhiên trong nhà ở, nhưng an toàn vẫn là một yếu tố không thể bỏ qua.
AN TOÀN CHỐNG SỰ XÂM NHẬP TỪ BÊN NGOÀI
Cổng vào, cửa đi, cửa sổ là các thành phần cần quan tâm đến sự an toàn trước nhất. Tường rào xây gạch, phía trên là phần rào thép, trồng cây tạo sự kín đáo vừa phải, đồng thời mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà. Cánh cửa gỗ nên lắp “mắt thần” (loại kính nhìn bao quát hình ảnh bên ngoai) để chủ nhân yên tâm trước khi mở cửa. Điều cần chú ý là cổng ngõ không nên để tối và khuất, bị các tán cây leo giàn che khuất. Vẻ lãng mạn thơ mộng của một bờ tường đầy hoa giấy có thể phải “hy sinh” vì những lý do an ninh. Cổng ngõ cần được thiết kế để từ trong nhà nhìn ra rõ ràng. Cổng vào có lỗ nhìn ngang tầm mắt. để chủ nhân nhìn được khách đứng ngoài, không phải cúi xuống “nhòm qua lỗ khóa” thiếu lịch sự. Mái che cổng cũng không nên quá lớn, che lấp tầm nhìn từ trên cao (ban công tầng hai cũng phải nhìn được người đứng ở cổng).
Mái tum cầu thang thường bằng vật liệu mỏng nhẹ như tôn, kính, nhựa là nơi kẻ trộm rất chú ý. Cần có lưới thép bảo vệ, tối thiểu là thép vuông 12, khoảng cách 12-15cm cho mỗi ô. Cửa ra sân thượng nên là cửa thép, có khóa bên trong. Nên dùng khóa ổ hơn dùng chốt cài vì nó sẽ nhắc bạn lưu ý hơn. Cửa sau của nhiều nhà bằng gỗ và dùng khóa rẻ tiền cũng là tiêu điểm của bọn trộm.
CHIẾU SÁNG TĂNG ĐỘ AN TOÀN
Chiếu sáng bên ngoài nhà cũng là một phương thức nâng cao sự an toàn cho nhà ở. Các lối đi, hàng hiên, sân vườn cần được chiếu sáng và có công tắc điều khiển ở vị trí dễ thấy. Đèn phải đủ sáng để soi rõ mặt người tại cửa chính. Nhà có sân rộng, cần đèn chiếu từ trên cao (sân thượng, mái) có thể bao trùm toàn bộ. Dùng loại công tắc hai tiếp điểm (công tắc cầu thang) để có thể bật tắt đèn từ trong nhà và ngoài sân. Cửa sau, cửa phụ cũng là một vị trí có đèn chiếu sáng vì kẻ trộm thường thích đột nhập từ các lối này. Gần đây đã có nhiều hệ thống đen có thể tự động bật sáng (phat hiện người lạ xâm nhập) bằng thiết bị cảm biến hoặc bật theo giờ bằng đồng hồ quang điện.
AN TOÀN CHỐNG SÉT VÀ ĐIỆN.
Nhà cao từ 3 tầng trở lên phải có hệ thống chống sét để tránh bị sét đánh làm hư hại. Hệ thống chống sét đơn giản nhất là các cột thu lôi thép nhọn đầu từ trên mái nhà dẫn xuống đất, cọc tiếp đất bằng sắt góc dài khoảng 2m để tản sét. Nhưng đó là phương thức thụ động, nếu sét không đánh vào cột mà đánh vào vị trí khác, cột không có tác dụng thu sét. Ngày nay, đã có những hệ thống thu sét an toàn hơn, chủ động thu hút nếu có sét đánh vào khu vực. Chỉ cần một thiết bị lắp trên mái nhà cao tầng là đã chống sét trong một bán kính rộng. Nếu nhà bạn ở vào khu vực phạm vi tầm ảnh hưởng của cột, bạn sẽ yên tâm trong mùa mưa bão.
Bên cạnh việc chống sét, những mối hiểm họa từ hệ thống điện luôn luôn đe dọa, nhất là trẻ nhỏ, người già dễ bất cẩn. Hệ thống áp tô mát ngắt điện toàn nhà phải được đặt ở vị trí đẽ thấy, dễ sử dụng và cho tất cả người trong nhà đều biết. Khi có sự cố về điện như cháy, chập, việc đầu tiên là phải ngắt điện tổng. Nếu nhà bạn có hệ thống đèn báo dự phòng sẽ rất tốt vì đèn tự động bất sáng khi nguồn điện bị ngắt. Điều này sẽ giúp bạn không phải mò mẫm trong bóng tối khi có sự cố.
Trong khi bố trí hệ thống điện, chú ý vị trí chiều cao của ổ cắm tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ. Nếu bố trí ở tầm thấp cần có nắp bảo vệ hữu hiệu khi không sử dụng, tránh trường hợp trẻ nghịch ngợm thò tay hay vật vật bằng kim loại vào ổ cắm điện. Cần bố trí nhiều ổ cắm trong phòng đẻ khi sử dụng thiết bị như quạt, đèn, máy móc không để dây dẫn rải trên sàn, ngang qua lối đi lại. Trong phòng tắm, các công tắc điện không để gần nơi tiếp xúc với nước như gần lavabo hay vòi sen. Công tắc điện chính đặt ngoài cửa để bật đèn trước vào phòng. Để an toàn bạn có thể dán một tấm vải dạ lên công tắc thường hay tiếp xúc. Muốn không làm ướt sàn mỗi khi bước từ phòng tắm ra ngoài, bạn nen đặt ở cưa phòng tắm một tấm thảm len thấm nước.
AN TOÀN SỬ DỤNG THIẾT BỊ
Nhiều người thích đặt tủ lạnh đầu giường ngủ để tiện lấy các đồ uống. Nhưng trong phòng ngủ đóng kín, tủ lạnh hoạt động sẽ phát ra bức xạ điện từ ảnh hưởng đến thần kinh, làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Hơn nữa, tủ lạnh chạy còn phát ra tiếng ồn và tỏa một lượng khí nóng khó chịu. Tốt nhất là đặt tủ lạnh tại phòng ăn, tiếp giáp giứa bếp và phòng khách, có thể thuận tiện cho nhiều nhu cầu sử dụng.
Sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, bạn nên lưu ý đến mặt trái của nó. Đó là việc không khí trong phòng kém lưu thông, nồng độ ion thấp, lưu cữu khí thải cacbonic. Trong nước thải của máy điều hòa còn sinh sôi một loại vi khuẩn đặc biệt là nguyên nhân của các căn bệnh về đường hô hấp, thậm chí nguy hiểm đế tính mạng con người. về ban đe,. Con người ngủ say không kiểm soát được nhiệt độ dễ dẫn đến tình trạng quá lạnh, gây nhức đầu, cảm lạnh, đau bả vai và các khớp, cách tốt nhất là sử dụng chế độ hẹn giờ để tắt máy và bật lại theo chu kỳ, đến gần sáng thì tắt hẳn. Vào lúc này nên mở cửa sổ để đón luồng không khí ban mai vào phòng. Quạt máy cũng có thể dẫn đến chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi nếu xối thẳng vào người suốt đêm. Cần hạn chế bằng cách để quạt quay về hướng khác với mục đích làm lưu thông luồng khí trong phòng.
AN TOÀN TRONG BỐ TRÍ NỘI THẤT
Độ cao của lan can hành lang, thành cửa sổ không có chấn song sắt, tay vịn cầu thang … phải đạt tối thiểu 90cm tính từ mặt sàn. Đề phòng trẻ nhỏ hiếu động bám vào trèo lên, cần đặt thêm một số vật chắn trung gian như chậu cây để ở hành lang, cửa sổ. nhưng không nên dùng ghế để chặn hoặc các vật mà trẻ dễ trèo. Ngăn chặn trẻ trượt trên tay vịn cầu thang bằng việc cảnh báo thường xuyên về mức độ nguy hiểm đối với trẻ quá hiếu động. Nên buộc thêm các vật cản vào tay vịn để trẻ không thể leo trèo. Khoảng trống giữa các thanh chấn song không nên để dưới 15cm vì trẻ dễ lọt qua. Trường hợp bạn rất muốn làm chấn song tay vịn thưa thoáng, hãy thêm một số thanh ngang hoặc thanh chéo ở vị trí 1/3 của chiều cao lan can để trẻ không thể chui qua dễ dàng.
Bếp là nơi cũng tập chung nhiều đầu mối nguy hiểm. Không để bình gas ở bên ngoài mà phải đặt trong tủ bếp để trẻ không nghịch ngợm gạt vào van an toàn. Điều này cũng có ích ngay cả với người nội trợ.
Giường ngủ riêng của trẻ nếu trẻ nằm một mình cần phải có thành cao vì trẻ dễ lăn. Chiều cao của giường nên thấp khoảng 30cm (kể cả đệm) để có ngã xuống nền cũng không nguy hiểm. Bạn có thể chặn quanh giường bằng các ghế thấp nếu vẫn chưa thấy yên tâm.
Tấm thảm trải ở sàn có thể hạn chế va đập khi trẻ bị ngã. Các cánh cửa tủ ở độ cao lưng chừng rất dễ làm trẻ bị cụng đầu nếu sơ ý mở ra. Cần phải sử dụng loại bản lề tự sập hoặc làm chốt chặn phía trong tủ.
AN TOÀN CHO CẤU TRÚC CÔNG TRÌNH
Có rất nhiều hiểm họa từ các thành phần công trình khi không được chú ý xem xét bảo dưỡng. Đã có nhiều cánh cửa mở ra ngoài đường phố bị han gỉ bản lề rơi từ trên cao xuống gây tai nạn bất ngờ. những mảng khung nhôm kính lớn cũng là hiểm họa đe dọa khi khung nhôm lâu ngyaf phơi dưới mưa nắng bị han. Các gioăng cao su lão hóa không còn giữ chặt được các tấm kính lớn, ai biết điều gì sẽ xảy ra? Nhiều ban công xây con tiện sứ và hàng gạch chặn bên trên liên kết bằng vữa xi măng, không có bê tông hoặc thép giằng chặt, đã vỡ khi có người đứng tựa lưng vào. Những khối ngoài nặng nề của thiết bị điều hòa treo lơ lửng ngoài trời trên các khung sắt lâu ngày bị han rỉ, long tuột bu lông sẽ ra sao? Những chậu cây cảnh đặt chênh vênh trên các lan can ban công tầng cao, còn đứng yên khi gặp gió bão hoặc trẻ em nhỡ tay xô phải? Còn rất nhiều hiểm họa, nhưng không phải ai cũng nhận thấy và chỉ hối hận khi việc đã rồi.
AN TOÀN PHÒNG HỎA
Cấu trúc chống lửa của nhà ở luôn phải được quan tâm. Các tầng phải bố trí việc lấy nước dễ dàng. Khu vực có nguy cơ cao là phòng bếp cần sắp đặt khoa học, bếp nấu để xa những vật dễ bắt cháy. Ngôi nhà lý tưởng có nhiều lối thoát khi bị hỏa hoạn, nhưng lại mâu thuẫn với yêu cầu kinh tế và hiệu suất sử dụng đất, yêu cầu an ninh.
Khi cuộc sống ngày một phức tạp hơn, có rất nhiều yếu tố an toàn trong nhà ở bạn cần quan tâm. một số nguy cơ cao như cháy nổ, nạn trộm cắp… đòi hỏi bạn phải “cảnh giác” ngay từ giai đoạn thiết kế đầu tiên, tránh để khi thực hiện bạn lâm vào “sự đã rồi” khó sửa chữa hoặc tốn kếm và mất công sức